Điện mặt trời áp mái đón thời cơ phát triển tại Việt Nam
Theo vnExpress các hộ gia đình, doanh nghiệp có thể tận dụng hệ mái nhà để triển khai giải pháp năng lượng sạch từ điện mặt trời, theo các chuyên gia tại Tech Talk VnExpress.
Tọa đàm “Tiềm năng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam” phát sóng lúc 10h ngày 28/12 trên Báo VnExpress có sự tham gia của ông Vũ Thắng – Trưởng đại diện Sungrow Việt Nam, ông Bùi Trung Kiên – Phó tổng giám đốc EVN TP HCM và ông Phạm Trọng Quý Châu – Phó chủ nhiệm Thường trực Ban năng lượng tái tạo, Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA). Các chuyên gia đồng tình tham dự tọa đàm đồng tình, Việt Nam đang đón thời cơ rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, trên các phương diện lợi thế tự nhiên, điều kiện về chính sách và sự đa dạng về các giải pháp điện mặt trời trên thị trường.
Điện mặt trời sở hữu tiềm năng lớn
Theo các chuyên gia, điện mặt trời đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xác định mục tiêu trung hòa khí carbon thông qua các giải pháp năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời. Cụ thể ông Vũ Thắng – Trưởng đại diện Sungrow Việt Nam cho biết, châu Âu đặt mục tiêu đến 2030 đạt trung hòa khí carbon, Mỹ xác định mục tiêu này vào năm 2050 và Trung Quốc kỳ vọng trở thành một nền kinh tế không khí thải vào năm 2060.
Tại Việt Nam, điện mặt trời cũng ngày càng được quan tâm đúng mức với những chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Theo ông Bùi Trung Kiên, đại diện EVN TP HCM, điện mặt trời đóng vai trò, tỷ trọng lớn trong quy hoạch năng lượng quốc gia, giúp giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, từ đó giảm ô nhiễm môi trường, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế.
“Việc phát triển năng lượng sạch là chủ trương của Chính phủ. Trong năm qua, cả nước đã phát triển mạnh mẽ hệ thống điện mặt trời từ các cánh đồng năng lượng mặt trời quy mô lớn đến các giải pháp điện mặt trời áp mái”, ông Kiên cho biết.
Mức độ quan tâm của các doanh nghiệp, hộ gia đình cũng gia tăng. Đơn cử tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM, theo ông Phạm Trọng Quý Châu đại diện HBA, đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng hệ mái nhà sẵn có để phát triển điện mặt trời, phục vụ sản xuất và hội nhập kinh tế.
Theo đó, ông Châu cho rằng, giá trị của điện mặt trời không chỉ nằm ở việc tạo tạo ra nguồn điện phụ trợ mà còn hướng đến sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới đặt ra những tiêu chuẩn ngày càng cao về phát thải nhà kính, những doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang nhận được những yêu cầu khắt khe về phát thải. Việc các doanh nghiệp đưa vào sử dụng điện mặt trời là một phương cách hiệu quả giúp tăng hình ảnh doanh nghiệp, tăng uy tín kinh doanh, giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia hội nhập sâu rộng vào môi trường kinh tế toàn cầu.
“Việc quan tâm ứng dụng năng lượng tái tạo còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường, xã hội và an ninh năng lượng quốc gia”, ông Châu khẳng định.
Mặt khác, theo ông Vũ Thắng, đại diện Sungrow, Việt Nam sở hữu tiềm năng rất lớn trong việc phát triển năng lượng mặt trời. Vị trí Việt Nam nằm gần vùng xích đạo, số giờ nắng trong năm rất lớn, hệ mái nhà sẵn có tại các khu công nghiệp hoặc mái nhà của các hộ gia đình cũng rất phù hợp để ứng dụng điện mặt trời áp mái.
“Để giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình tận dụng tiềm năng này, thời gian qua chúng tôi đã phát triển những thiết bị hiện đại, tối ưu cho những dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam, qua đó cung cấp nguồn năng lượng sạch, với giá thành tốt hơn, mang lại lợi ích “xanh” hơn cho nền kinh tế”, ông Thắng chia sẻ.
Cơ hội ứng dụng điện mặt trời
Theo ông Bùi Trung Kiên – đại diện EVN TP HCM, bên cạnh những lợi thế sẵn có về thiên nhiên, ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam còn đón nhận điều kiện thuận lợi về mặt chính sách cũng như hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện lực với hàng loạt nghị quyết đã ra đời.
Riêng tại TP HCM, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, điện mặt trời chiếm tỷ trọng 15% trong cơ cấu nguồn điện tại thành phố, năm 2030 tỷ trọng này sẽ lên đến 30%. Ngoài ra EVN TP HCM cũng tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục triển khai nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư năng lượng mặt trời. Đơn vị ký kết hợp tác với những nhà thầu cung cấp giải pháp điện mặt trời uy tín và tiềm lực mạnh như Sungrow, các hiệp hội, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… nhằm khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này.
Mới đây, EVN còn ra mắt nền tảng EVN Solar cung cấp thông tin và tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu với các tổ chức cung cấp giải pháp năng lượng mặt trời, giúp hoạt động đầu tư điện mặt trời mà cụ thể là điện mặt trời áp mái có sự phát triển đột phá.
“Ước tính nếu phủ hết mái nhà tại thành phố thì có thể cung cấp lượng điện năng rất lớn. Có thể hình dung công suất cực đại hệ thống lưới điện TP HCM hiện khoảng 4.800 MW, trong khi tiềm năng năng lượng mặt trời tại Việt Nam, theo Ngân hàng Thế giới lên đến 6.300 MWp”, ông Kiên chia sẻ.
Từ góc độ quản lý khu công nghiệp, ông Châu đại diện HBA khẳng định không chỉ năm nay mà cả trong những năm tới, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội lớn và thời điểm tốt để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Giá thành từng loại thiết bị đang ở mức rất tốt, nhiều chính sách hỗ trợ, hiệu quả đầu tư đáng kể với chi phí rất phải chăng. Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp có một hệ mái nhà lớn, với các điều kiện phù hợp về tiêu chí kỹ thuật, kết cấu, tải trọng, nhu cầu sử dụng điện, độ bức xạ, thời gian nắng trong năm, phù hợp với điện mặt trời mái nhà.
Trong năm qua, HBA đã triển khai nhiều hoạt động hội thảo với sự đồng hành của EVN và Sungrow nhằm quảng bá giá trị, tiềm năng và cơ hội của điện mặt trời áp mái. Hiệp hội cũng triển khai chương trình trọng điểm từ nay đến 2024 phát triển 100 MWp điện mặt trời trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thông qua hội thảo, HBA tạo cơ hội trao điểm kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp, đơn vị, nhằm phát triển điện mặt trời áp mái. Đồng thời cung cấp thông tin về những giải pháp và những khuyến nghị cơ bản cho doanh nghiệp khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.
“Yếu tố quan trọng là bộ biến tần, chọn loại nào, lắp ra sao, ở đâu để tối ưu hóa giá trị, công tác vận hành, bảo trì bảo dưỡng cũng phải dễ dàng nhanh chóng”, ông Châu chia sẻ.
Từ góc độ đơn vị cung cấp giải pháp, ông Thắng đại diện Sungrow cho biết với 24 kinh nghiệm cung cấp phần bộ nghịch lưu cho điện mặt trời và phần lưu trữ năng lượng cho các dự án tương lai toàn cầu, tập đoàn này đã sẵn sàng các giải pháp điện mặt trời áp mái với suất đầu tư thấp, hiệu quả tối ưu cùng dịch vụ hậu mãi nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng. Giải pháp phù hợp với cả các hộ gia đình, lẫn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng hệ mái nhà sẵn có để đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định, có khả năng lưu trữ, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Theo vnExpress.net